Cuối tháng 3 vừa qua, Trường Đại học Luật TPHCM và Trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM) ký kết hợp tác, tiến tới mối quan hệ hợp tác lâu dài theo hướng đại học chia sẻ. Đáng chú ý, hai trường sẽ trao đổi học thuật, bao gồm giảng viên, nghiên cứu viên; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; sử dụng chung thư viện, học liệu và ngân hàng đề thi.
Ngoài ra, hai bên sẽ phát triển và thực hiện các chương trình đào tạo, thành phần tương ứng; phát triển dự án hợp tác về nghiên cứu khoa học, cùng thực hiện các bài báo khoa học. Những hoạt động như tổ chức và thực hiện sự kiện giáo dục, khoa học, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hoạt động phục vụ cộng đồng… cũng được đẩy mạnh.
TS Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM nhìn nhận, hai bên có những điểm tương đồng trong quá trình hình thành và phát triển. Cả hai đều có thế mạnh trong lĩnh vực pháp luật và quản trị kinh doanh, tài chính, đồng thời có những ưu thế khác nhau. Trường Đại học Luật TPHCM phát triển theo định hướng nghiên cứu, còn Trường Đại học Tài chính – Marketing phát triển theo hướng ứng dụng.
“Với thế mạnh riêng biệt này, hai bên cùng hợp tác, sẻ chia nguồn lực, phát triển các hoạt động học thuật; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Đồng thời, cùng phát triển các dự án hợp tác về nghiên cứu khoa học, thực hiện bài báo khoa học”, TS Lê Trường Sơn cho biết.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing nhấn mạnh vai trò của pháp luật trên thực tiễn: Từ công tác kế toán, tài chính đều cần am hiểu pháp lý thì mới phát triển tốt. Do đó, việc hợp tác với Trường Đại học Luật TPHCM sẽ giúp hai bên duy trì mối quan hệ lâu dài theo hướng “đại học chia sẻ”, từ đó thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội trên cơ sở thế mạnh của từng trường.
Sự kiện hợp tác trên của 2 trường đại học không phải là “phát súng đầu tiên” của mô hình “đại học chia sẻ”, nhưng khá rõ rệt và mới mẻ trong ít năm trở lại đây. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mô hình “đại học chia sẻ” trên thế giới ngày càng phổ biến và được xem là xu hướng phát triển của giáo dục đại học trong tương lai.
TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, bản chất của “đại học chia sẻ” chính là “phát huy sức mạnh hệ thống” giáo dục đại học, đã hình thành từ hơn 30 năm trước. Theo đó, cần có cơ chế để các cơ sở đào tạo chia sẻ nguồn lực, cơ sở vật chất, nhân sự.
Theo ông, đây là xu hướng đúng đắn, đáng khuyến khích, nhưng chúng ta đã bỏ lỡ khá lâu. Ngay cả trường đại học trong đại học quốc gia, đại học vùng… thời gian qua hoạt động khá khép kín, ít có sự trao đổi, chia sẻ nguồn lực với nhau. “Do đó, việc một số trường bắt đầu hợp tác theo mô hình này là tín hiệu tích cực”, TS Khuyến nói.
UBND TPHCM vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi về hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng trong thời gian tới là hoàn thành đề án tổng thể 8 ngành và đại học chia sẻ. Trong đó, đề án “Đại học chia sẻ” do Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TPHCM chủ trì thực hiện; PGS.TS Vũ Đức Lung – Chủ tịch Hội đồng trường làm chủ nhiệm.
Mục tiêu của đề án là 100% cơ sở giáo dục đại học tham gia xây dựng học liệu mở; ứng dụng, vận hành quản trị đại học chia sẻ; kết nối trung tâm điều hành giáo dục thông minh của TPHCM. Có thể thấy rằng, TPHCM đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc triển khai mô hình đại học chia sẻ. Điều này xuất phát từ lợi ích và sự cần thiết áp dụng mô hình trong việc tận dụng nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học nhằm đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của thành phố.
Trong một tham luận về đại học chia sẻ được công bố tại Hội nghị thường niên Đại học Quốc gia TPHCM năm 2023, PGS.TS Vũ Đức Lung cho rằng, mô hình đại học chia sẻ được cấu thành từ 3 hợp phần chính. Đó là, tài nguyên học tập (học liệu, thư viện, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành…); nguồn nhân lực (giảng viên, nhà nghiên cứu, nhân viên…); cơ sở vật chất (giảng đường, phòng học, ký túc xá…).
Với sinh viên, mô hình đại học chia sẻ giúp các em tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học; việc công nhận tín chỉ, học phần giữa các trường tham gia mô hình giúp tiết kiệm học phí và chi phí khác. Ngoài ra, sinh viên được tăng cường trải nghiệm học tập, tiếp cận được nguồn học liệu phong phú, hữu ích, tham gia hoạt động giao lưu học thuật và nghiên cứu, trao đổi sinh viên với trường đại học khác. Từ đó, chất lượng học tập và phát triển bản thân được nâng cao.
Về phía nhà trường, tham gia mô hình đại học chia sẻ giúp các trường đại học tăng cường năng lực cạnh tranh; tận dụng được nguồn lực các trường thành viên, nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó gia tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh tự chủ đại học. Đồng thời, nhà trường sẽ giảm chi phí đầu tư khi chia sẻ cơ sở vật chất, nguồn học liệu…
TS Lê Viết Khuyến bổ sung thêm rằng, các quy định hiện hành đã tạo hành lang pháp lý để các trường tăng cường hợp tác theo mô hình đại học chia sẻ. Điều quan trọng là cách làm phải đúng và mang lại hiệu quả.